Người phụ nữ đầy khát vọng

Mới đó mà đã hơn mười năm rồi. Hồi ấy, ở Đà Nẵng các nữ doanh nhân còn hiếm hoi lắm, không như bây giờ. Chị Nguyễn Thị Anh Đào là một trong số ít phụ nữ làm kinh tế ở thành phố này được nhiều người biết đến. Sự thành đạt vốn đã không dễ với nhiều người, nhất là công việc kinh doanh làm ăn trong những ngày đất nước còn nhiều gian khó.

Từ bia Khuê Trung, thương hiệu một thời

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị được nhà trường giữ lại làm giảng viên khoa Sinh tại Đại học Tổng hợp Huế. Chưa đầy 4 năm, chị trở về Đà Nẵng làm cán bộ kỹ thuật cho Nhà máy Bia nước ngọt Đà Nẵng, rồi chuyển sang Công ty Thực phẩm miền Trung. Trong suốt những năm ấy, chị đã làm việc tận tụy, vì mọi người, vì sự tồn tại và phát triển của công ty. Mỗi chuyến đi công tác, chị thường chủ động tìm hiểu, tổng hợp các kết quả liên quan từ các đơn vị đối tác, rồi phân tích, đánh giá, đề xuất hướng giải quyết, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, cho đồng nghiệp.

Cũng trong giai đoạn này, cơ chế chính sách của Nhà nước đã bắt đầu đổi mới, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời, chị một mình đứng ra thành lập Công ty Minh Anh. Một thời, thương hiệu này trở nên quen thuộc với người tiêu dùng từ sản phẩm bia Khuê Trung và rượu Hồng Đào.

Hồi ấy, những khi chiều xuống ở các làng quê xứ Quảng, trong các cuộc nhậu bình dân, bia Khuê Trung là thức uống quen thuộc của người dân có thu nhập thấp. Thế mà cũng có lúc loại bia “làng xã” này lấn sang thị phần của bia sông Hàn và bia Larue thời đó. Nguyên do là hồi còn sinh viên chị đã chủ động đi tham quan học hỏi ở nhiều nhà máy bia, nước ngọt từ Sài Gòn đến Hà Nội, các nhà máy chế biến thực phẩm ở tận Nam Hà... để quan sát, tích lũy kiến thức, đi tham quan các nhà máy bia nước ngoài với quyết tâm xây dựng Nhà máy Bia Khuê Trung lúc bấy giờ.

Anh H., một người em cũng là người cộng sự gần gũi với chị kể lại, khi thành lập Công ty Minh Anh, chị đã phải vay mượn tiền của bạn bè để làm vốn đầu tư, gầy dựng cơ ngơi ban đầu. Gần mười năm, tên tuổi của doanh nghiệp này gắn liền với những thành tựu chung trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Đà Nẵng.

Anh Đỗ Thế, Phó Giám đốc Công ty Minh Anh, hiện nay là Hiệu phó Trường Đại học Đông Á, người đã từng góp công sức cho Minh Anh nhiều năm kể lại, là người say mê công việc, nhận diện ra cơ hội rất nhanh, chị Anh Đào sẵn sàng dốc hết tâm lực để thực hiện cho bằng được cơ hội ấy. Cho dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và nghị lực, tầm nhìn của chị, tất cả mong ước đều trở thành hiện thực.

Giám đốc Công ty Thủy sản -Thương mại Thuận Phước, anh Trần Văn Lĩnh- nguyên Giám đốc Nhà máy Bia Đà Nẵng - nhớ lại thời gian chị Anh Đào làm Phó Giám đốc cho nhà máy này: “Ngày ấy, khi bia sông Hàn đã rơi xuống vực thẳm thì hai anh em chúng tôi được chính quyền thành phố mời và động viên về tổ chức lại sản xuất, hy vọng sẽ giữ được thị trường cho bia sông Hàn. Chị về được 6 tháng, chỉnh đốn lại các vấn đề kỹ thuật, sau đó, có lẽ chị nhận ra những nguy cơ không thành công, nên đã chọn lựa đi tìm phương hướng mới để thỏa chí tung hoành!”.

Đến một Đại học Đông Á ở miền Trung

Mỗi tối, chị vẫn ngồi vào góc phòng để vừa làm việc vừa tạo nền nếp cho các con học hành. Chị mô tả “nhà chị như một phân xưởng học tập”. Bên cạnh công việc, chị vẫn theo đuổi học tập nâng cao trình độ, năng lực. Hiện chị sắp bảo vệ luận án tiến sĩ ngành khoa học giáo dục. Hai người con gái, một đang hoàn thành luận văn thạc sĩ ngành kiểm định chất lượng giáo dục ở Mỹ, người thứ hai đang theo học đại học ngành quản trị nguồn nhân lực ở Úc.

Trên thế giới có không ít phụ nữ thành đạt. Mỗi người mỗi vẻ. Có nhiều người xuất thân ở nghề này nhưng lại thành công ở nhiều ngành nghề khác. Chị Anh Đào, từ một doanh nhân, lại trở thành nhà quản lý giáo dục có tên tuổi. Có phải sau nhiều năm lăn lộn với công việc kinh doanh, chị đã ngộ ra rằng, môi trường giáo dục mới là môi trường phù hợp nhất với mình, nơi ấy là vùng trời rộng lớn để ước mơ thời sinh viên của chị bay bổng, tung hoành?

Anh Đỗ Thế kể lại, trong lúc Công ty Minh Anh đang làm ăn ổn định, chị lại mở hướng đầu tư cho giáo dục. Chị thế chấp toàn bộ gia sản của mình để đầu tư xây dựng trường. Khi Đông Á còn là trường Trung cấp, chị đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu Đại học Đông Á. Hoài bão lớn lao mà chị luôn khắc khoải đấy là xây dựng một Đại học Đông Á theo chất lượng quốc tế và học phí quốc gia. Chị cho rằng có như thế sinh viên Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng mới theo học được.

Hiện nay chị là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Đông Á, thành phố Đà Nẵng. Theo chị, Đại học Đông Á hướng tới đại học phi lợi nhuận (không thu phần lợi nhuận mà để lại cho người học, và lợi nhuận nếu có cũng không chia cho cổ đông mà dành vào việc tái đầu tư để nâng cao chất lượng học tập hơn nữa). Trong tương lai, chị còn muốn xây dựng thêm nhiều học bổng và cho con em gia đình nghèo nợ học phí để theo học và khi thành công, các em sẽ trả lại cho trường.

Có một Đại học Đông Á ở miền Trung như hôm nay đâu chỉ là thành công của riêng chị, mà là thành quả chung cho cộng đồng. Đà Nẵng có thêm một địa chỉ giáo dục đại học tiên tiến, đáng tin cậy; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Có một vài lần chị tâm sự với tôi, làm sao phải giáo dục sinh viên “lòng trách nhiệm” nếu có lòng trách nhiệm, sinh viên sẽ chăm lo đến cộng đồng, đến gia đình và người thân và rộng hơn là quê hương đất nước.

Nhiều năm nay, sinh viên Đại học Đông Á đã tham gia dọn dẹp đường phố, giúp dân xây lại nhà sau bão. Nhà trường cấp học bổng toàn phần trong suốt 4 năm cho tất cả sinh viên là con em của các gia đình nạn nhân trong bão Chanchu, quyên góp áo ấm cho đồng bào nghèo mùa rét… Mới đây, chị đã đóng góp và kêu gọi sinh viên cùng Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, vận động trên 350 triệu đồng để giúp đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh trong hai cơn lũ lịch sử năm 2010 vừa qua… Sinh viên Đại học Đông Á với trách nhiệm cộng đồng đã trở thành hình ảnh thân thương không chỉ riêng với người Đà Nẵng.

Khó có thể khắc họa đầy đủ chân dung về một người phụ nữ với những khát vọng sống và cống hiến như chị Anh Đào. Trên chặng đường lập nghiệp, đầy sóng gió và thành bại, luôn thấy thật rõ nơi chị một vẻ đẹp lấp lánh của sự khiêm nhường.

Nhiên Khánh (Nguồn: baodanang.vn)