Phụ nữ sẽ không bao giờ thành công như nam giới, vì họ không có bên mình một người vợ để cho những lời khuyên.
Người ta nói đằng sau người đàn ông thành đạt hay không thành đạt lắm đều là một người phụ nữ, vì đàn ông, suy cho cùng chỉ là lũ trẻ con sống lâu năm, chúng luôn cần một bảo mẫu chăm sóc mình hết trọn đời. Chả thế mà có ông chồng diệu say về muộn chỉ súc miệng qua loa rồi lên giường ngủ, sáng sau nhắc vợ hình như mua nhầm nước súc miệng đểu dùng rát khô cả họng, vợ tất tưởi chạy vào toilet kiểm tra bàng hoàng thấy lọ Dạ Hương 120ml mới mua đã vơi còn phân nửa.
Thời đại công nghệ thông tin và dịch vụ bùng nổ đã giải phóng phụ nữ khỏi nhiều việc không tên, ngoài thay thế giặt tay bằng giặt máy, cuộc sống hiện đại đã tạo cho chị em cơ hội tham gia nhiều hơn vào những công to việc lớn ngoài xã hội. Phụ nữ không phát minh ra Facebook nhưng cách họ sử dụng nó, đã thay đổi xã hội của chúng ta. "Tôi bấm share tức là tôi tồn tại", nếu ngày xưa "trai khôn tìm vợ chợ đông" thì "ngày nay tìm vợ wall không share gì". Các chị em, với smartphone và tinh thần nữ quyền sôi sục, bê về tường nhà từ kinh nghiệm 12 thế giao ban khi khó ở cho đến thương cảm giám đốc sở mất chim. Đôi khi sự việc quá hay nên nạp thẻ cũng quá tay, đang rán cá quay sang cười nhìn chồng đầy hối hận bảo tháng này chi phí giúp cải tạo xã hội có phần sữa của thằng Tèo. Phụ nữ luôn đáng iêu như vậy, chỉ nên ngắm và iêu thôi chứ đừng bắt lỗi. Thế giới phụ nữ là một vườn hoa, người đàn ông tốt là người nâng niu tất cả nhưng vẫn biết khẽ ngắt cho riêng mình một bông ưng ý nhất. Dù quanh ta, vẫn còn những người phụ nữ lấy phải đấng lang quân ưa chỉnh hình vợ tại gia bằng mười tám thế quyền trong Thiếu Lâm Thất Thập Nhị Huyền Công, quà 8/3 thường là một bên mắt thâm như gấu trúc. Có những bông hoa không may mắn như chị em được đua sắc đón gió xuân nhộn nhịp trong tủ kệ tinh tươm dọc Nguyễn Chí Thanh, mà dập nát, còng queo ở xó xỉnh một xóm lao động nghèo, nơi hằng đêm từng ngôi nhà vang tiếng đòn thù và ném vỏ chai. Năm ngoái tôi có tham gia phong trào "Xương Rồng Trên Cát" đồng hành cùng những phụ nữ bị mua bán, bạo hành, và nhận ra rằng đâu đây, còn nhiều lắm những vết thương được trát phấn.
Đằng sau những món quà, những lời chúc đẫm hơi men hay tiệc hành lang chung cư chiếm dụng lối thoát hiểm tổ chức ăn uống linh đình mừng chị em, nhiều phụ nữ chỉ mong muốn giản dị là ngày này không bị thưởng thức món tiết canh nội sinh tức máu mồm do chính tay chồng đánh. Ngoài thương tổn thể xác, có những loại bạo hành tinh thần còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Không hiếm chị em đã chọn giải pháp kết thúc đau lòng, trao sinh mệnh cho sợi dây gai buộc xà nhà hay gieo mình từ ban công xuống nền đường nhựa. Hơn 58% phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bạo hành gia đình, xã hội văn minh mà chúng ta sống, thực sự đang bị trà trộn cùng những con thú. Trong ngày 8/3 này, bản giao hưởng dành tặng một nửa thế gian, dẫu sôi động tươi vui, vẫn sẽ không hề thiếu những nốt nhạc trầm.