Phần này trích dẫn bài viết của PGS.TS. Đinh Hữu Dung trong cuốn "Cẩm nang học tích cực cho sinh viên y khoa", Đại học Y Hà Nội - NXB Y học, 2011.
Phần 1: Biết rõ "bia" của mình
Người đi học phải biết rõ mục tiêu học tập như người đi tập bắn phải biết rõ bia của mình. Chân lý là như vậy nhưng nhiều sinh viên y khoa vẫn cứ "tập bắn" ... ra ngoài bia! Dưới đây xin nêu một số ví dụ về những sinh viên như vậy (mong rằng trong số đó không có em).
Ví dụ 1. Sinh viên y thuộc các hệ đào tạo bác sĩ y khoa, cử nhân điều dưỡng, cử nhân YTCC khi học về một vi khuẩn gây bệnh lại quan tâm đến kỹ thuật nuôi cấy phân lập và định danh hơn khả năng và cơ chế gây bệnh của vi khuẩn; khi học về kháng sinh đồ lại quan tâm đến quy trình thực hiện và các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến kết quả hơn là nguyên lý và mục đích.
Lời bình. Kỹ thuật nuôi cấy phân lập và định danh vi khuẩn; quy trình làm kháng sinh đồ và các yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến kết quả là "ngoài bia" đối với các sinh viên không (hoặc chưa) học chuyên khoa vi sinh. Ngược lại, khả năng và cơ chế gây bệnh của vi khuẩn, nguyên lý và mục đích của kháng sinh đồ mới thuộc vào "vòng trong của bia".
Ví dụ 2. Sinh viên hệ đào tạo bác sĩ đa khoa khi học về các bệnh cấp cứu ngoại khoa lại quan tâm đến chẩn đoán phân biệt các thể lâm sàng hơn chẩn đoán định hướng sớm; quan tâm đến các phương pháp và quy trình phẫu thuật hơn thái độ xử trí ban đầu và kỹ năng sơ cứu.
Lời bình. Nếu trong tương lai, em không phải là bác sĩ ngoại khoa thì không đòi hỏi em phải chẩn đoán phân biệt các thể lâm sàng của một bệnh cấp cứu ngoại khoa, nhưng rất cần có năng lực chẩn đoán định hướng sớm để chuyển bệnh nhân kịp thời đến các cơ sở ngoại khoa, nhiều bệnh nếu đến muộn thì nhà ngoại khoa giỏi cũng bó tay hoặc bệnh nhân sẽ phải chịu những biến chứng, di chứng đáng ra không có.
Sinh viên đa khoa cũng phải học đến nơi đến chốn về thái độ xử trí ban đầu và kỹ năng sơ cứu bệnh nhân dù em không có ý định chuyên khoa ngoại. Trong tương lai em làm việc ở bất cứ cơ sở y tế nào, trước một tình huống cấp cứu em vẫn phải ra quyết định xử trí ban đầu đúng và có kỹ năng sơ cứu tốt. Những công việc này quan trọng, có vai trò sống còn đối với tính mạng bệnh nhân.
Ví dụ 3. Sinh viên hệ đào tạo cử nhân xét nghiệm khi học môn nội khoa lại say sưa với chẩn đoán lâm sàng và phương pháp điều trị.
Lời bình. Sinh viên hệ đào tạo cử nhân xét nghiệm được (hoặc phải) học một số học phần bệnh học không phải để tạo năng lực chẩn đoán lâm sàng và chữa bệnh. Mục tiêu chính phải được quan tâm là nhu cầu về xét nghiệm củathầy thuốc lâm sàng, ý nghĩa và giá trị thực tiễn của các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, sự hợp tác giữa bệnh phòng và phòng xét nghiệm.
Chương trình học tập vốn đã nặng, nhiều khi sinh viên chúng ta lại còn tự xếp thêm lên vai mình những thứ không cần thiết. Khi chưa định hướng chuyên khoa, chưa vội học những gì mang tính đặc thù chuyên khoa mà trong tương lai nếu không đi chuyên khoa đó thì không bao giờ được làm và không bao giờ làm được!
Em hỏi nếu có nguyện vọng đi chuyên khoa đó thì sao? Cứ cho là mong muốn của em chắc chắn đạt được (mặc dù chắc chắn là ... chưa chắc chắn!), thì em vẫn cần tự "kiềm chế" tình yêu ấy và chờ đến khi học chuyên khoa (thường là sau đại học).
Người đi học phải biết rõ mục tiêu học tập như người đi tập bắn phải biết rõ bia nào là của mình.