Phần 4. Cách đáp ứng tích cực sau khi nghe câu hỏi của thầy
Đặt câu hỏi là phương pháp rất hay được các thầy cô sử dụng trong quá trình dạy học tích cực. Cách đáp ứng sau khi nghe câu hỏi của thầy sẽ cho thấy em là người học tập tích cực chủ động hay thụ động.
Một số em cố tỏ ra mình bình thản nhìn một vật gì đó hoặc nhìn ra… xa xăm, đầu mông lung không nghĩ ngợi gì về câu hỏi, chỉ âm âm câu thần chú mong sao thầy mình đừng chỉ định mình! Cho đến khi may mắn nghe thầy đọc tên người khác thì mới hết nín thở, hít một hơi thật sâu rồi cố từ từ thở ra cho thật nhẹ nhàng! Rủi ro bị thầy đọc đúng “quí danh” thì giật thột, rồi gan dạ ngồi im hoặc dũng cảm đứng dậy… chào cờ!
Một số em khác thì tỏ ra “tích cực chủ động” hơn, vội vàng mở sách vở kiếm tìm câu trả lời. Không hiếm khi em tìm được nội dung mong muốn, em sẽ trả lời đúng, được thầy khen và bạn bè thán phục. Rất có thể là như vậy! Về hình thứcloại này xem ra rất tốt nhưng hiệu quả thực tế thì không được tốt lắm. Em sẽ nghĩ tôi đang bàn luận về vấn đề đạo đức, và em đã có ngay lý lẽ để bảo vệ, rằng đây đang lúc thảo luận chứ không phải trong khi kiểm tra hay khi thi, vì vậy em có quyền mở sách vở. Lý lẽ của em hoàn toàn đúng. Tôi không phê phán em vi phạm nội quy, quy chế học tập. Tôi chỉ muốn nói rằng việc làm có vẻ tích cực của em, về bản chất không được tích cực cho lắm. Bởi vì làm như vậy em chẳng cần phải động não, chỉ cần mở vở tìm và trả lời ngay kiến thức còn rất… tươi sống! Trong đa số trong đa số trường hợp, những điều em vừa nói sẽ thoảng qua trong đầu óc em như gió thoảng qua căn phòng mở cả cửa trước và cửa sau! Đấy là chưa kể khi em chưa kịp tìm ra ý gì, đã bị thầy gọi hay đáp án đã được mở. Trong những trường hợp như vậy kiến thức ít khi được lưu lại hoặc có lưu lại nhưng không được hằn sâu trong vỏ não.
Trước mỗi câu hỏi của thầy, thái độ tích cực nhất là độc lập suy nghĩ, huy động vốn liếng đã có để chuẩn bị câu trả lời của riêng mình. Nếu em đã nắm chắc vấn đề thầy hỏi thì việc này thật dễ dàng và không có gì phải bàn nhiều. Tuy nhiên, cùng là người có nắm chắc vấn đề như nhau nhưng cách đáp ứng vẫn khác nhau. Một người chỉ ngồi thờ ơ, nếu thầy chỉ định trả lời, không thì thôi. Một người vẫn tập trung suy nghĩ, tìm cách chỉnh lại sao cho câu trả lời ngắn gọn, mạch lạc và sát với ý thầy nhất.
Trong trường hợp em chưa thật nắm chắc vấn đề, chưa tự tin lắm, thì cũng đừng vội vàng mở sách, mở vở để kiểm tra, đừng vội thảo luận với người xung quanh. Em hãy tự mình đánh giá lại xem, trong suy nghĩ ý nào chắc chắn đúng, ý nào có nhiều khả năng đúng và ý nào em cho là có nhiều khả năng sai? Nếu đã có sự phận tích, phán xét như vậy, lúc đáp án được mở kiến thúc của em sẽ được chỉnh lại và em sẽ nhớ rất lâu.
Trường hợp xấu nhất là, sau khi nghe xong câu hỏi của thầy, trong đầu em chưa thấy ló ra một tia sáng nào. Xin em cũng đừng mở sách vở, cũng đừng hỏi người xung quanh, và tất nhiên cũng đừng lảng tránh. Một sinh viên học tập tích cực không cho phép suy nghĩ ngay rằng mình hoàn toàn bất lực trước bất kỳ câu hỏi nào! Em hãy cố gắng huy động tất cả vốn liếng để có câu trả lời của riêng mình, dù chỉ là câu trả lời còn rất sơ sài và chưa chắc đúng. Có ý trả lời vừa xuất hiện lại bị em phủ định ngay. Và cuối cùng có thể em không tìm được câu trả lời, nhưng không sao, miễn là em đã thực sự cố gắng suy nghĩ. Em sẽ đón nhận ý kiến của em hoặc của bạn và lời giảng giải của thầy hiệu quả cao hơn nhiều so với trường hợp em lảng tránh suy nghĩ.
Không ít trường hợp khi nghe thầy vừa đặt câu hỏi, em tưởng như mình hoàn toàn bất lực, nhưng với tinh thần “tiến công” như trên chỉ sau ít phút em sẽ lại tìm được câu trả lời, đôi khi câu trả lời còn hoàn hảo nữa!
Một số em phàn nàn lớp thì đông người, có tích cực suy nghĩ đi nữa, mấy khi đã được (hay đã “bị”) thầy hỏi đến mình. Thưa em, nếu đã thật sự suy nghĩ để có được câu trả lời của riêng mình, rồi sau đó đối chiếu với ý kiến của các em và lời giảng giải của thầy xem ý nào đúng, ý nào sai, thì cho dù em không được đứng lên trình bày ý kiến của mình, đối với lớp đúng là em chưa phát biểu nhưng đối với cá nhân em thì về bản chất em đã được phát biểu rồi!
Sau khi nghe câu hỏi của thầy, cách đáp ứng tích cực nhất là huy động vốn liếng để chuẩn bị câu trả lời cho riêng mình.
Nguồn: Cẩm nang học tập tích cực cho sinh viên Y Khoa - Đại học Y Hà Nội