Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á phát biểu tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố

Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á phát biểu tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố

PHIẾU PHÁT BIỂU

 Của đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố, khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016

Kính gửi: Chủ tọa kỳ họp

Đại biểu HĐND: Nguyễn Thị Anh Đào; Tổ đại biểu: Quận Thanh Khê

Nội dung phát biểu:

Thành phố chúng ta đã trải qua một năm thật khó khăn, một năm mà có thể nói là chưa có năm nào khó khăn như năm nay. Trước tình đó, Thành ủy, HĐND, UBND và các sở ban ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt, phát huy tinh thần quyết tâm, cởi mở, lắng nghe, động viên sự nỗ lực của toàn thành phố. Qua báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP cả năm 2013, cho thấy những kết quả đạt được thật đáng trân trọng. Nhằm đóng góp xây dựng TP, được sự phân công của tổ Đại biểu HĐND Quận Thanh Khê, tôi xin phát biểu một số ý kiến trên các lĩnh vực: Giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư; phòng, tránh và khắc phục hậu quả của bão; năm doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất: Về giáo dục

1. Việc đưa kỹ năng bơi vào nhà trường phổ thông không chỉ giúp học sinh vùng ven sông ven biển tự bảo vệ mình mà còn giúp cho học sinh tăng thêm sự dũng cảm, mạnh mẽ. Chủ trương này đã được HĐND thông qua tại kỳ họp trước. Đề nghị HĐND sớm hỗ trợ cho các trường, nhất là các trường ở vùng nông thôn. Trong trường hợp thành phố không đầu tư được cho các trường thì kêu gọi xã hội hóa, cho doanh nghiệp (DN) đứng ra phối hợp với nhà trường tổ chức và thu phí đối với học sinh, TP cho DN vay không tính lãi trong một thời gian thay vì Nhà nước đầu tư.

2. Về việc phát triển các trường chuyên Lê Qúy Đôn và Nguyễn Khuyến. Hiện nay chính sách cho Trường Lê Quý Đôn là tốt, còn Trường Nguyễn Khuyến các GV vẫn chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ như học tập để nâng cao kỹ năng - phương pháp giảng dạy tích cực ở các trường nước ngoài, chính sách lương. Nhưng nhiệm vụ của họ là nặng nề, luôn chịu áp lực như tỷ lệ học sinh thi đỗ vào Trường Lê Qúy Đôn, số giải quốc gia.... Đề nghị TP ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ GV và chính sách lương khuyến khích hơn cho đội ngũ GV trường này để họ phát huy tối đa tài năng những học sinh xuất sắc của TP. 

3. Về thư viện thành phố, đây là vấn đề tôi đã đề nghị liên tục từ 4 kỳ họp qua, dù với lý do gì, tôi vẫn kiên trì tha thiết đề nghị HĐND xem xét giữ lại diện tích quy hoạch cũ của thư viện thành phố với 34655 m2 ở khu đông nam tượng đài. Ai cũng thấy là TP chúng ta đã rất hào hiệp cấp đất cho khu vui chơi  giải trí mà so đo từng mét đất với công trình phúc lợi thư viện thành phố - nơi có hơn 100.000 SV và trên 100.000 học sinh phổ thông mỗi năm. Trong khi diện tích quy hoạch thư viện hiện nay bị cắt giảm chỉ còn 1,5ha còn khu vui chơi được cấp hơn 84ha, chỉ cần giảm một nửa của phần lẻ hoặc giảm 10cm ở bờ bao quanh tường của khu vui chơi là thừa đất cho thư viện. Được biết vị trí thư viện hiện nay cũng đã dịch chuyển về phía trong cùng của khu này, gần siêu thị Lotte. Ở các nước phát triển đều đầu tư cho thư viện lớn và hiện đại, được xem không chỉ là công trình văn hóa mà còn là nơi để tham quan du lịch và là niềm tự hào của người dân. Như ở Mỹ có thư viện loài người, ở Singapore, Đài loan  và các nước khác cũng rất quan tâm đầu tư cho thư viện.

Kính đề nghị HĐND hãy giữ nguyên quy hoạch diện tích lớn của thư viện là 3,4655 ha như đã quy hoạch năm 2012, và chọn vị trí đẹp thuận tiện nhất cho nhân dân, SV, học sinh đến đọc sách, cổ vũ cho văn hóa đọc, nơi dùng để trao tặng những giải thưởng danh giá, các công trình NCKH, văn hóa, cổ vũ cho định hướng Thành phố kinh tế tri thức trong tương lai. Đợi đến khi nào kinh tế thuận lợi thành phố lại vay tiền đầu tư cho thư viện xứng tầm như đầu tư một trong các cây cầu đẹp trên sông Hàn.

4. Về NCKH của TP: Hiện nay việc NCKH theo phương thức là phê duyệt hằng năm các đề tài NCKH để cấp kinh phí, khi nguồn kinh phí của TP còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu còn xuất phát từ sự đam mê, sự hy sinh, lòng trách nhiệm và có cả sự thể hiện chứ không chỉ bằng tiền. Hơn nữa những người có thể nghiên cứu thì thường bận rộn với nhiều công việc nên khó tiếp cận với thủ tục chờ phê duyệt đề tài. Đề nghị TP mở rộng thêm phương thức xã hội hóa trong NCKH, bằng cách phê duyệt nhiều lần trong năm, công nhận đề tài nghiên cứu cấp thành phố. Ghi nhận tôn vinh các kết quả nghiên cứu, thưởng cho những công trình nghiên cứu ứng dụng tốt đem lại hiệu quả cao. Tạo phương thức tiếp cận và thủ tục NCKH thật thuận tiện, hỗ trợ một phần kinh phí nhỏ sau khi đề tài được duyệt. (Hiện nay, trong các công ty đã phát động khen thưởng cho những cải tiến trong công việc hằng ngày trong phạm vi nội bộ mà Liên đoàn Lao động phát động nhiều năm nay đạt kết quả tốt). Nhưng các nghiên cứu có tính khoa học cao ở các nhà trường, các cơ quan, cá nhân có trình độ cao chưa được phát huy để đa dạng hóa các sản phẩm nghiên cứu. Các vấn đề trong thực tiễn trong xã hội khi phát huy tối đa, sẽ được đúc kết thành kết quả nghiên cứu. Điều này sẽ rất có lợi đối với lĩnh vực y học, công nghệ, các bác sĩ giỏi, các chuyên gia, các giảng viên sẽ cập nhật và kế thừa được các trải nghiệm quý, các phát kiến mới thành sản phẩm khoa học, tài nguyên tri thức của TP. Phương thức này sẽ mở rộng các sản phẩm nghiên cứu khoa học bên cạnh phương thức truyền thống lâu nay của TP. Lâu nay công tác nghiên cứu khoa học của TP luôn phụ thuộc và chờ đợi xét duyệt, trông chờ vào nguồn kinh phí của nhà nước mới triển khai, trong khi thực tiễn thì có nhiều đề tài hữu ích của cá nhân, tổ chức được đúc kết nhiều năm, chỉ cần tạo điều kiện và công nhận, tôn vinh mà không nhất thiết phải chờ đợi thành phố phê duyệt và cấp kinh phí.

Thứ hai: Về xây dựng đời sống văn hóa trong dân cư, tổ dân phố (TDP)

Vào kỳ họp HĐND thứ 5 vào tháng 7/2012, tôi đã nghiên cứu đề xuất đề án “tái cấu trúc tổ dân phố để xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư giúp TP phát triển bền vững”. Qua đề án này, TP đưa vào thẩm định và triển khai trong toàn thành phố. Hiện nay các tổ dân phố đã trải giai đoạn cải tổ và đi vào hoạt động bước đầu có kết quả từ sau khi tái cấu trúc lại vào tháng 10/2012. Nguyên do trước 10/2012, đại biểu HĐND ở tất cả các quận, huyện luôn được nghe những bức xúc của cử tri, của phường vì không có nhà họp TDP. TP chúng ta lúc bây giờ có 2100 tổ, mỗi tổ bình quân là 100,7 hộ nên mỗi khi họp hội truyền thông chỉ thị từ TP luôn gặp trở ngại là không có nhà họp đủ chỗ cho hơn 100 con người, có TDP phải họp ở chợ, ở trường học nên không ổn định. Bên cạnh đó, các tổ trưởng TDP thường là những cô chú lớn tuổi về hưu, trong số đó có nhiều người rất tốt, nhưng có nhiều người còn hạn chế chưa hiệu triệu được bà con trong khu dân cư, rồi cứ thế các chương trình tích cực của TP dần khó triển khai đến từng tế bào xã hội.Muốn khắc phục được cần phải có nhà họp cho TDP, tính ra cần phải xây dựng 2100 nhà họp cho các TDP, phải mất 2100  lô đất và tiền xây dựng 2100 nhà sinh hoạt cho TDP, ước tính tối thiểu khoảng 2100 tỷ đồng.

Qua đề xuất của đề án, nay cấu trúc lại, TDP được chia thành 30-40 hộ trên mỗi tổ. Điều đầu tiên là không cần đến nhà họp nữa. Điều quan trọng lớn hơn là quy mô vừa phải, phù hợp cho việc xây dựng đời sống văn hóa văn minh đô thị trong khu dân cư. Cấp quản lý cơ sở, tổ trưởng TDP cũng được sắp xếp và chọn lựa lại, tuy số lượng TDP tăng lên nhưng chi phí cho bộ máy vận hành tăng lên hằng tháng là không đáng kể, các TDP hoạt động hiệu quả hơn.

Tại TDP hiện nay, đang có 5 bộ tiêu chí xây dựng văn hóa của 3 cơ quan  là UBND TP, Sở VHTT& DL, MTTQVN TP . Các văn bản gồm:

Tên VB và bộ tiêu chí Số, ngày và Cơ quan chủ trì
1. Đề án “ Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” giai đoạn 2012-2015 , trong đó có bộ tiêu chuẩn “TDP không rác" Số 9861  ngày  29/11/2012 của UBND TP
2. Mô hình “tuyến đường văn minh đô thị” Số 9861 ngày 29/11/2012 của UBND TP
3. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”có bộ tiêu chuẩn “TDP văn hóa” Số 587 ngày 16/01/2012 của UBND  TP
4. Phong trào “Toàn dân doàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới Số 542 ngày 10/9/2012 Chương trình phối hợp của sở   VHTT& DL với  MTTQVN TP
5. Mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường” Số 534 ngày 9/10/2012 của UBMTTQ

5 bộ tiêu chí này được thiết kế có tổng cộng 24 nội dung hay còn gọi là tiêu chuẩn và 68 tiêu chí, mỗi tiêu chí được phân thành 3-4 mức độ đạt được. Trong 5 bộ tiêu chí này có nhiều tiêu chuẩn lặp lại. Cụ thể như tiêu chuẩn: Môi trường cảnh quang sạch đẹp, không rác được lặp lại ở cả 5 bộ; tiêu chuẩn: không thả súc vật nuôi đều có 2 trong 5 bộ; tiêu chuẩn: văn minh mỹ quan đô thị đều có 2 bộ trong 5; tiêu chuẩn: bảo vệ môi trường, ngày Chủ nhật xanh sạch đẹp đều có 2 trong 5 bộ. Như thế có cả thảy là 13 nội dung trong 24 nội dung bị trùng lặp.

Qua đó, cho thấy: Có nhiều bộ tiêu chí xây dựng văn hóa được thực hiện TDP. Có nội dung trùng lắp và dài, có nhiều tiêu chí khó hiểu, khó nhớ nên khó thực hiện.

Từ đó đề xuất:

  • Nên nghiên cứu thành 1 bộ sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện phù hợp với điều kiện nhân dân. Thay đổi những tiêu chí có tính thành tích như 90% gia đình văn hóa mới được TDP văn hóa….
  • Nên có 1 cơ quan đầu mối chủ trì hợp nhất, phối hợp triển khai, phối hợp tổng kết rút kinh nghiệm để TDP, thôn thực hiện thuận lợi hơn, không như hiện nay nhiều cơ quan đều triển khai, đều tổng kết các phong trào và mô hình các thời điểm khác nhau tại TDP.
  • Đồng thời, cần rà soát lại 4 chức năng của TDP hiện nay là quá nặng, nên chuyển bớt một số nhiệm vụ trong các chức năng này về phường, trước khi nghiên cứu chính sách cho cấp cơ sở này, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực của các tổ trưởng TDP để phát huy kết quả ở giai đoạn tiếp theo sớm và hiệu quả.
  • Đài truyền hình TP xây dựng chương mục “NHỮNG CON NGƯỜI TRÁCH NHIỆM CỦA THÀNH PHỐ”. Kênh này được phát hằng ngày nhằm nêu cao tính làm gương của cán bộ công chức, nhân dân là những người có ý thức trách nhiệm xây dựng văn hóa, văn minh đô thị Đà Nẵng, tại các khu dân cư. Tuyên truyền lan tỏa những việc làm tích cực của cá nhân, các TDP, Phường, xã về việc xây dựng lối sống, văn hóa. Những mặt thiếu tích cực, có tính ngoại lệ thì tùy từng trường hợp, cần tuyên truyền ở mức độ cục bộ hơn để hạn chế việc gây ảnh hưởng ngược. Làm kiên trì, có đánh giá tổng kết, tuyên dương khen thưởng để hướng tới người người, nhà nhà, ai ai cũng thấy mình có trách nhiệm, nâng cao lòng trách nhiệm, lúc đó chính họ sẽ bảo vệ đường phố, môi trường, trị an…. giúp TP phát triển bền vững.

Thứ ba: Về việc phòng, tránh và khắc phục hậu quả sau bão:

Các cơn bão liên tiếp vừa qua như một cuộc chiến tranh gây thiệt hại lớn cho TP. Trung Ương, UBND đã rất nỗ lực, chỉ đạo sáng tạo và khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, qua phản ảnh của cử tri, tôi xin đề nghị như sau:

  • Đề nghị TP nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật phòng, tránh và khắc phục hậu quả của bão, có quy trình cho từng đối tượng cần phòng tránh và khắc phục, trong đó lưu ý các việc:
  • Tăng cường nhận thức cho nhân dân hiểu quy trình phòng tránh và khắc phục hậu quả của bão, cũng như phát huy lòng trách nhiệm của từng người dân, gia đình, TDP qua nhiều phương tiện tivi, đài báo kể cả loa đài địa phương trong các khu phố, khu dân cư. Phát huy lực lượng tại chỗ.
  • Khi bão chưa đến, TDP cùng người dân nhà nhà lo chèn chống nhà mình, bảo vệ cơ quan, giúp nhà hàng xóm neo đơn, chặt tỉa bớt cành cây xanh….
  • Khi bão đến thì tuyệt đối mọi người phải tránh bão. Rà soát và công bố danh sách các công trình, nhà kiên cố đủ để tránh bão sẵn sàng khi di dời dân.
  • Khi bão vừa đi qua là người người, nhà nhà, TDP tập trung khắc phục hậu quả, lo dọn dẹp ngay trước nhà mình để sau 1 buổi là đường phố nào cũng sạch sẽ trở lại, rác được dồn về một chỗ chờ xe môi trường đến lấy. Các gia đình có phương tiện đăng ký chở rác cùng công ty môi trường. Đưa khẩu hiệu hành động sau bão “đường phố chưa sạch, chưa uống cafe”. Tất cả cán bộ đều tích cực làm gương.
  • Tăng cường đưa những hình ảnh tích cực, trách nhiệm như bán nguyên giá, trực để bán những vật dụng phòng tránh bão, đưa hình ảnh những công dân dũng cảm vì mọi người lên các phương tiện truyền thông thường xuyên để giáo dục lòng trách nhiệm. Cân nhắc giảm bớt đưa những hình ảnh quá đau khổ, những hình ảnh tạo nên cảm giác sợ hãi, hoặc bão lũ quanh năm làm giảm tinh thần và ảnh hưởng đến việc hợp tác phát triển làm ăn. Các trường hợp thương tâm, khó khăn cần sự tài trợ sẽ vận động trực tiếp đến đối tượng phù hợp có khả năng đóng góp, hỗ trợ.
  • Đối với quy trình phòng tránh và khắc phục hậu quả cho cây xanh cần giao nhiệm vụ cho công ty cây xanh, hoặc đơn vị là ban quản lý được giao trách nhiệm trồng.

Cụ thể: Không để cây xanh gãy đổ do không tỉa cành cũng như trồng quá cạn, hoặc do trồng loại cây quá giòn. Nếu cây gãy đổ do các lỗi trên hoặc không làm đúng quy trình thì công ty cây xanh phải bồi thường và người đứng đầu công ty chịu trách nhiệm. Lúc đó, khi có bão, ắt họ sẽ phải tập trung tỉa cành các cây lớn, tham mưu TP giao cây nhỏ cho tổ dân phố quyết định, không trồng cây thân giòn, không trồng quá cạn sẽ bị ngã như múa trong đợt bão vừa qua.

Đồng thời giải quyết rốt ráo về quy hoạch cây xanh của TP

  • Về quy hoạch cây xanh cho TP cần làm rốt ráo, cho địa phương quận huyện tham gia góp ý xây dựng quy hoạch ở quận của họ, cần trồng cây hướng đến cho thành phố du lịch, để tạo ấn tượng cho khách và phù hợp với thành phố ven biển.
  • Cho đấu thầu trồng và bảo vệ cây xanh cho từng khu, từng con đường, có vậy bão cũng sẽ giảm thiểu được hư hại, và tiết kiệm kinh phí, nhất là kinh phí trồng và chăm sóc cây xanh ở đường phố mỗi năm là không nhỏ.

Thứ 4: Đối với năm doanh nghiệp

Cộng đồng DN rất vui mừng khi thấy TP quan tâm, chọn năm 2014 là năm DN. Đây là tin vui cho cộng đồng DN. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của cộng đồng DN đến HĐND, UBND TP, đồng thời tôi xin đề nghị:

  • Năm 2014 phải có nhiều chương trình hành động cho DN thiết thực và đột phá hơn 2013. Xin đề nghị HĐND thông qua đề án thành lập quỹ hỗ trợ tín dụng với số vốn trước mắt là 30 tỷ, sau đó đề nghị TP tăng tìm kiếm nguồn bổ sung để hỗ trợ được nhiều DN hơn (vì TP có hơn 12 ngàn DN mà vốn 30 tỷ thì còn quá khiêm tốn).
  • Đề nghị TP lập một ban chuyên trách dưới sự đứng đầu của PCT thường trực hoặc chủ tịch để thường xuyên tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng DN. Được biết, theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, hiện nay còn hơn 17% vốn vay ở các ngân hàng thương mại trên TP còn cho vay với lãi suất trên 13% với trị giá hơn 30.000 tỷ đồng. Như thế là cố tình gây khó khăn cho DN, mà vai trò của Ngân hàng nhà nước chưa làm hết trách nhiệm để đưa xuống dưới 12%, mặc dầu hiện nay lãi suất huy động đã đưa về dưới 7%, biên độ cho vay từ 3-5%. Việc này một mặt TP xem lại trách nhiệm của giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại ĐN.

Vì thế, rất cần thiết có ban chuyên trách để hỗ trợ trực tiếp với từng DN và nhà nước, chứ không như lâu nay định kỳ tiếp xúc các bên ngân hàng và DN trong hội trường lớn, các DN sẽ khó có thể nói ra các khó khăn của mình trước các đối tác, mà các ngân hàng cũng luôn tìm cách tránh né trách nhiệm. Cuối cùng DN khó, TP cũng khó theo.

Bên cạnh đó, TP cần rà soát lại quỹ đất ở khu công nghiệp để hỗ trợ các DNN&V đang cần mặt bằng, vì hiện nay một số khu công nghiệp vẫn còn nhiều vị trí bỏ trống hoặc cho thuê lại...

Kính thưa chủ tọa kỳ họp, thưa quý vị đại biểu.

Trên đây là những ý kiến đóng góp của tôi trình HĐND tại kỳ họp thứ 8 lần này. Xin kính trình HĐND xem xét và giải quyết.

Xin kính chúc quý vị ĐB sức khỏe, hạnh phúc. Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Nguyễn Thị Anh Đào