SKĐS - Ngành Y tế Việt Nam trong các năm qua đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của y tế nước nhà và nền y học thế giới, nâng cao uy tín và vị thế của Ngành Y tế Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung trên trường quốc tế.
Điểm nhấn ghép tạng, kỹ thuật cao
Trong công tác điều trị bệnh, Việt Nam đã triển khai được nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến và có nhiều nhà khoa học lớn. Y học Việt Nam khẳng định được vị thế của mình như: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, tách song sinh, nhãn khoa...
Bên cạnh đó, việc các bác sĩ Việt Nam ứng dụng và triển khai thành công những kỹ thuật cao đã từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân trong nước, góp phần hạn chế số người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh và bước đầu thu hút người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh. Việt Nam đã đóng góp vào nền y học thế giới và y văn quốc tế nhiều nhà khoa học lỗi lạc, như GS. Hồ Đắc Di, BS Phạm Ngọc Thạch, GS Đặng Văn Ngữ, GS. Tôn Thất Tùng, GS.BS. Tôn Thất Bách, GS. Đặng Văn Chung, BS. Nguyễn Tài Thu…
Khống chế thành công nhiều dịch bệnh
Trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS năm 2003, cũng như là quốc gia đầu tiên của Khu vực Tây Thái Bình Dương thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2010.
Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp Hội đồng chấp hành của Đại hội đồng Y tế Thế giới tháng 5.2016
Năm 2013, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR). Các dịch bệnh khác như cúm H5N1, H7N9, H1N1, H2N3, ebola, Mers CoV… được khống chế thành công, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Với những thành công đó, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia trên thế giới được Chính phủ Hoa Kỳ chọn thí điểm tham gia Mạng lưới an ninh y tế toàn cầu. Công tác phòng chống lao, rốt rét, HIV cũng được được đảm bảo và đạt các kết quả tích cực, là cơ sở để Việt Nam được các nước mời chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.
Đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vắc xin
Trong công tác quản lý và sản xuất vắc xin, Việt Nam đã đạt các chuẩn quốc tế. Sau 14 năm phấn đấu, Việt Nam đã chính thức trở thành một trong 39 nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn Hệ thống Quản lý Quốc gia về Vắc xin (NRA) vào năm 2015. Thành công này không những giúp tiết kiệm chi phí nhập khẩu vắc xin ngoại mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho vắc xin nội, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã chủ động sản xuất được nhiều loại vắc xin, trong đó có 10 vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia như vắc xin viêm gan b, vắc xin sởi, vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin tả uống, rota virus… Việt Nam cũng đã học tập được các công nghệ của Nhật Bản trong việc sản xuất và điều chế các loại vắc xin.
Lọt top 10 quốc gia thực hiện đúng MDGs
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện đúng lộ trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt là 5 mục tiêu liên quan đến y tế, bao gồm MDG 1 (giảm đói nghèo, trong đó có giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng), MDG 4 (giảm tử vong trẻ em), MDG 5 (giảm tử vong bà mẹ), MDG 6 (phòng chống HIV, sốt rét và các bệnh khác) và MDG 7 (bảo vệ môi trường bền vững, trong đó có nước sạch và vệ sinh).
Việt Nam đã hoàn thành và cần duy trì bền vững các chỉ tiêu y tế của MDG1 và MDG7, bao gồm: giảm 1/2 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và giảm 1/2 tỷ lệ người dân không được tiếp cận nước an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản.
Các mục tiêu còn lại đều đã giảm nhanh và đạt mục tiêu đề ra vào năm 2015, đó là: giảm 2/3 tỉ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; giảm 3/4 tỷ số tử vong mẹ; phổ cập tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản; chặn đứng và bắt đầu đẩy lùi sự lây lan của HIV/AIDS; tiếp cận phổ cập tới điều trị HIV/AIDS cho tất cả những người có nhu cầu; chặn đứng và bắt đầu giảm số trường hợp mắc sốt rét và các bệnh phổ biến khác.
TS.Trần Thị Giáng Hương (Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ Y tế)