Từ xưa đến nay, sinh con luôn là sự kiện trọng đại của mỗi gia đình. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ các em bé và bà mẹ ngày càng tăng cao, đó cũng là điều kiện tất yếu để ngành Hộ sinh ra đời và phát triển. Hãy cùng tìm hiểu về ngành học đầy triển vọng này nhé!
1. Ngành Hộ sinh là gì? Những khái niệm trong ngành Hộ sinh
Ngành Hộ sinh là ngành liên quan đến chuyên môn về sinh nở, được đào tạo bài bản để trở thành người đảm nhiệm công việc chăm sóc sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh; nhằm đảm bảo về mặt tâm lý, sinh lý, sự an toàn của mẹ và bé.
Nữ hộ sinh là những người làm trong ngành y tế, trực tiếp theo dõi quá trình chuyển dạ của sản phụ, báo cáo tình hình của sản phụ đến bác sĩ, cũng là người chuẩn bị mọi dụng cụ y tế cho ca đỡ đẻ, người đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ phụ nữ mới sinh nói riêng, phụ nữ nói chung và trẻ em một cách toàn diện về thể chất, tâm, sinh lý và xã hội.
2. Công việc của người Hộ sinh
- Tiếp nhận, hướng dẫn sản phụ, người bệnh đến khám bệnh, điều trị, thực hiện đúng quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện.
- Thăm khám thai, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đỡ đẻ, theo dõi chuyển dạ chu đáo mọi mặt trước khi sản phụ đẻ. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường phải báo cáo bác sĩ để xử lí kịp thời.
- Thực hiện đỡ đẻ thường, phụ bác sĩ thực hiện kĩ thuật đỡ đẻ khó. Nữ hộ sinh cao cấp (cử nhân nữ hộ sinh): thực hiện các kĩ thuật chăm sóc phức tạp khi nữ hộ sinh trung cấp không thực hiện được; thực hiện kĩ thuật hút điều hoà kinh nguyệt; trực tiếp theo dõi, chăm sóc những cuộc đẻ có nguy cơ cao; sử dụng thành thạo các thiết bị y tế trong khoa theo sự phân công.
- Thực hiện đầy đủ, chính xác y lệnh của bác sĩ điều trị, thường xuyên theo dõi tình trạng sản phụ và trẻ sơ sinh, kịp thời báo cáo bác sĩ điều trị khi có diễn biến bất thường và ghi đẩy đủ các diễn biến vào phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc.
- Nhận và bàn giao tình trạng sản phụ, người bệnh, thuốc, công việc, tài sản đầy đủ với kíp thường trực.
- Bảo quản tài sản, thuốc và các thiết bị y tế, hồ sơ bệnh án; vệ sinh buồng bệnh và buồng thủ thuật trong phạm vi được phân công.
- Nghiêm túc thực hiện sự phân công của trưởng khoa và nữ hộ sinh trưởng khoa.
- Tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học viên thực tập theo sự phân công của trưởng khoa.
- Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh cho các sản phụ và người bệnh tại khoa. Tham gia công tác chuyên khoa tại cộng đồng khi được phân công.
3. Những tố chất cần có của người Hộ sinh
- Kỹ năng lên kế hoạch: Khi có kỹ năng lên kế hoạch tốt, bạn sẽ biết tính toán và sắp xếp được khoảng thời gian mà sản phụ có thể chuyển dạ, và sinh sản an toàn nhất.
- Nắm vững về những kiến thức về chuyên môn: Đây là điều kiện tiên quyết của người Hộ sinh nói riêng và bác sĩ nói chung, vì điều này liên quan tới cả tính mạng mẹ và bé, và của người bệnh.
- Tính nhanh nhẹn và chính xác trong công việc: Trong một kip đỡ đẻ, mọi thủ tục cần làm nhanh chóng, chính xác nhằm tránh những diễn biến xấu nhất xảy ra.
- Tư vấn sức khỏe: Để sản phụ có thể có sức khỏe tốt nhất trong thai kỳ và trong quá trình trước, trong, sau đẻ.
- Kỹ năng giao tiếp tốt để có thể động viên và chia sẻ cơn đau trong khoảng thời gian vất vả nhất của một người sản phụ.
- Cẩn trọng, tỉ mỉ và có tinh thần trách nhiệm cao.
- Lòng nhân hậu, sức khỏe của sản phụ và thai nhi phụ thuộc rất lớn đến nhân cách, phẩm chất của nữ hộ sinh.
Sinh viên theo học ngành Hộ sinh sẽ được trang bị những kiến thức quan trọng, cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp tương lai sau này. Kiến thức từ cơ sở đến kiến thức chuyên ngành song song với thực hành thực tế trong các kíp sinh, trong quá trình chăm sóc mẹ và bé sau sinh, nhằm giúp cho sinh viên am hiểu hơn về công việc của mình.
Bài viết có sử dụng thông tin từ nhiều nguồn.