Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm trong đánh giá và phương pháp giảng dạy đại học” đã diễn ra tại Đại học Đông Á ngày 30/11 vừa qua.
Với 9 báo cáo tham luận, Hội thảo mang đến những góc nhìn đa chiều, những phân tích sâu sắc về đánh giá và phương pháp giảng dạy đại học.
Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Cao Trí – ĐH Bách khoa TP. HCM chia sẻ về hành trình Kiểm định chương trình theo chuẩn ABET - một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo được thành lập từ năm 1932 bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ. Thực hiện kiểm định bởi ABET sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường và xã hội như: Tăng cường năng lực quản lý chất lượng đào tạo của các chương trình đào tạo; Khẳng định chất lượng đào tạo và cam kết liên tục cải thiện chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; Tạo thuận lợi cho những người tốt nghiệp từ những chương trình đào tạo được kiểm định tham gia vào thị trường nhân lực toàn cầu…
Trong báo cáo “Đổi mới chiến lược dạy & học của giáo dục đại học tại Việt Nam trong bối cảnh giáo dục 4.0 - thách thức và cơ hội”, TS. Nguyễn Thị Huyền - GĐ trung tâm nghiên cứu cải tiến Phương pháp dạy và học ĐH CEE chỉ ra bối cảnh của việc đổi mới chiến lược dạy va học (TLSI), các chiến lược và mô hình dạy & học, thách thức và tác động của TLSI…
Đồng thời, báo cáo cũng nêu một số yếu tố sẽ thay đổi theo giáo dục 4.0 như địa điểm học theo không gian mở, thời gian học linh động, khung chương trình trans-disciplines, dụng cụ học tập, kỹ năng số,… Phương pháp giảng dạy và học tập từ giáo dục chuyên ngành sang giáo dục toàn diện, tích hợp, từ dựa trên nội dung sang dựa trên năng lực, cá nhân hóa, đa chiều và học tập suốt đời.
“Gắn đào tạo du lịch với các doanh nghiệp du lịch” - báo cáo tham luận từ kinh nghiệm ứng dụng giảng dạy tại Đại học Đông Á nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Trình bày tại Hội thảo, ThS. Đặng Thị Kim Thoa - khoa Du lịch ĐH Đông Á nhận định, việc gắn đào tạo với thực tiễn, lí thuyết với thực hành cần phải được chú trọng quan tâm và các cơ sở đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp theo các phương thức hợp tác khác nhau theo hướng hai bên cùng có lợi. Các cơ sở đào tạo có nơi thực hành thực tập tốt nhất cho sinh viên, còn doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo, quá trình đánh giá và sử dụng nguồn lao động sau khi ra trường. Lợi ích thiết thực nhất là sản phẩm đào tạo được các doanh nghiệp và xã hội chấp nhận, sinh viên có việc làm ổn định. Đây cũng là mô hình “học tập kết hợp” hay còn gọi là hình thức hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là thường xuyên và phổ biến tại các nước phát triển trong thế kỷ 21.
Hội thảo là diễn đàn học thuật, quy tụ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học ở 3 miền đất nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ các giải pháp đánh giá và giảng dạy nhằm củng cố, nâng cao chất lượng sinh viên được đào tạo.