Trước sự bùng nổ của thời đại công nghiệp 4.0, học sinh, sinh viên được trang bị rất nhiều kỹ năng nhằm đáp ứng sự thay đổi và phát triển của xã hội. Trong đó, kỹ năng quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng. Bởi, mỗi giây mỗi phút trôi qua chúng ta không bao giờ lấy lại được. Vì vậy, hãy bắt đầu xây dựng kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả ngay hôm nay với những cách hiệu quả sau đây để cuộc sống của bạn thêm giá trị nhé!
Kỹ năng quản lý thời gian là gì?
Thực tế cho thấy rằng, những người thành công thường có cách quản lý và sử dụng thời gian rất hiệu quả. Vậy, kỹ năng quản lý thời gian là gì?
Quản lý thời gian là việc chúng ta biết cách hoạch định quỹ thời gian của mình cho những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, khái niệm này không đồng nghĩa với việc luôn tiết kiệm thời gian mà là biết làm chủ thời gian của mình một cách hiệu quả.
Kỹ năng quản lý thời gian là khả năng phân bổ, sắp xếp và sử dụng thời gian một cách hợp lý và khoa học, nhằm đạt được các kế hoạch đề ra. Đối với học sinh, sinh viên, kỹ năng này có ý nghĩa đặt biệt quan trọng trong học tập, thi cử cũng như là chiếc vé thông hàng giúp bạn vào đời dễ dàng hơn.
Cách xây dựng kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả cho học sinh, sinh viên
Hiện nay, có rất nhiều giải pháp giúp xây dựng kỹ năng quản lý thời gian của sinh viên, học sinh. Sau đây, là một số cách “thần thánh” mà bạn không nên bỏ qua:
Lập kế hoạch cho những việc cần làm
Một bảng kế hoạch cá nhân hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng chính là giải pháp đầu tiên giúp các bạn học sinh, sinh viên cải thiện kỹ năng quản lý thời gian của mình. Mặc dù đơn giản chỉ là liệt kê những công việc cần làm kể cả thời gian nộp bài tập về nhà hay bất kỳ giờ làm thêm nào nhưng nó sẽ giúp bạn sử dụng thời gian khôn ngoan hơn. Ngoài ra, với cách này, bạn sẽ biết mình cần phải làm gì, vào giờ nào mà không phải mất thời gian nhớ xem mình phải làm việc gì trong ngày hôm nay hoặc việc gì tiếp theo sau khi hoàn thành công việc nào đó. Bên cạnh lịch, nhật ký,… hiện nay có rất nhiều ứng dụng lập kế hoạch cá nhân hàng ngày hiệu quả dành cho các thiết bị thông minh. Giờ đây, bạn có thể quản lý thời gian của mình mọi lúc, mọi nơi.
Liên tục ưu tiên và tái ưu tiên
Một người giỏi quản lý thời gian không chỉ sử dụng chúng đúng cách mà còn có khả năng đối phó với những sự cố ngoài mong muốn thay vì để bản thân rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, để việc xây dựng kỹ năng quản lý thời gian của học sinh, sinh viên mang lại những hiệu quả tích cực, đòi hỏi chúng ta liên tục ưu tiên và tái ưu tiên khi xảy ra vấn đề.
Sau khi liệt kê những công việc cần làm hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng, bạn hãy dành một ít thời gian để kiểm tra và phân loại hàng mục dựa trên mức độ quan trọng của chúng. Những công việc quan trọng, bạn hãy đánh dấu lại và ưu tiên làm ngay để đảm bảo tiến độ hoàn thành, sau đó hãy tiếp tục làm những công việc còn lại. Điều này sẽ giúp bạn không phải vội vàng hay căng thẳng vì lỡ quên những việc quan trọng mà vẫn đảm bảo những công việc khác được giải quyết đúng thời hạn.
Hãy thực tế và linh hoạt
Thông thường, học sinh, sinh viên dành ra khoảng 8-10 giờ/ngày để làm việc, nghiên cứu, giao tiếp và làm những điều khác. Nếu chỉ có 20 giờ/tuần cho các hoạt động khác thì chúng ta nên sử dụng chúng cho việc tự học và tự nghiên cứu. Tuy nhiên, để mỗi giây, mỗi phút được sử dụng theo đúng kế hoạch của bạn thì đừng quên phân bổ thời gian thực hiện cho từng nhiệm vụ cũng như dự trù khoảng 10-25% thời gian nhằm đảm bảo tránh bị động. Bởi, mọi sự trong thực tế thường mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Vì vậy, hãy thực tế và linh hoạt nếu muốn xây dựng kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả.
Tránh trì hoãn và phân tâm
Thực tế, những gì hiệu quả với người này nhưng với người khác nó không nhất thiết cũng vậy. Với một số người, học nhóm có thể hạn chế khả năng của họ. Nhưng với những người khác, làm việc nhóm lại giúp tăng động lực và tránh sự trì hoãn. Nếu tránh trì hoãn và phân tâm được xem là những viên gạch đầu tiên để bạn xây dựng kỹ năng quản lý thời gian thì hãy bắt đầu bằng cách trả lời các câu hỏi như: Bạn tập trung nhất khi ngồi ở đâu và trong khoảng thời gian nào?; Những địa điểm và những thời điểm nào dễ khiến bạn bị xao lãng, phân tâm?; Có điều gì làm bạn thực sự thú vị trong nghiên cứu, học tập không?;… Những đáp án có được sẽ giúp bạn lựa chọn cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất. (Nói không với trì hoãn để thành công)
Chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh
Nếu đây là một trong những cách xây dựng kỹ năng quản lý thời gian thì nghe có vẻ không hợp lý. Tuy nhiên, dù tin hay không thì thực tế xây dựng chế độ sinh hoạt – ăn, ngủ và tập thể dục khoa học và lành mạnh có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong khả năng quản lý thời gian của bạn. Để tiếp tục con đường học tập, bạn cần cả sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Mỗi ngày hãy tự chăm sóc bản thân mình một ít để đảm bảo rằng, bạn có thể hoàn thành hết tất cả những kế hoạch đề ra với một quỹ thời gian có giới hạn.
Cách tổ chức của bạn có thực sự hiệu quả?
Đây là lời khuyên cuối cùng đối với việc xây dựng kỹ năng quản lý thời gian của sinh viên, học sinh. Để đảm bảo có thể kiểm soát hiệu quả cũng như có những điều chỉnh phù hợp, bạn hãy luôn xem xét và đánh giá lại lịch làm việc của mình. Đặc biệt, duy trì thói quen này sẽ giúp kỹ năng quản lý thời gian và quản lý cuộc sống của bạn ngày càng được hoàn thiện – bạn lên lớp đầy đủ, dễ dàng hoàn thành các bài tập, đạt kết quả tốt trong các kỳ thi mà vẫn còn nhiều thời gian để thư giãn, dành cho gia đình và bạn bè.
Như vậy, mặc dù chúng ta đều có 24 giờ/ngày như nhau nhưng giá trị của nó lại phụ thuộc vào việc sử dụng của mỗi người. Hãy bắt đầu xây dựng và hoàn thiện kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả với những cách “thần thánh” trên đây. Chúng tôi hy vọng, các bạn học sinh, sinh viên sẽ nhận thức được giá trị vàng ngọc của thời gian cũng như biết cách để “thời thanh xuân tươi đẹp” không trôi qua một cách vô nghĩa.
- Sưu tầm -