Lịch sử dân tộc Việt Nam ta là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Trong nhiều thế kỷ trước, bọn xâm lược phương Bắc liên tục tràn xuống, có lần chúng đã đặt được ách thống trị trong thời gian dài; nhưng cuối cùng đều chuốc lấy thất bại. Trong sự nghiệp giữ nước, ta luôn đứng trước tình thế lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn và ta đã chiến thắng một cách oanh liệt. Đó là vì dân tộc ta đoàn kết chặt chẽ, có tinh thần yêu nước và đấu tranh bất khuất cao, như Nguyễn Trãi từng tổng kết: “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Lực lượng Cảnh sát biển diễu binh trong lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam (30/4/2015) - Ảnh: Bá Sơn
Trong ba mươi năm chống giặc ngoại xâm Pháp và Mỹ (1945-1975), so sánh lực lượng của ta lúc đầu cũng kém xa địch. “Châu chấu đá voi” là hình tượng Bác Hồ dùng để ví von. Cho nên, có dám đánh địch hay không cũng là chuyện của Đảng và dân, cả bạn bè quốc tế lúc đầu rất quan tâm, cân nhắc. Riêng thời kỳ quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước, cũng là thời kỳ quan điểm sợ Mỹ đang chi phối mạnh trong một số Đảng anh em. Đó là cả vấn đề cân não, Đảng ta và Bác Hồ, với sự phân tích khoa học, đã thấy được chỗ yếu chí tử của địch và sức mạnh to lớn của ta, từ đó khẳng định nhân dân Việt Nam có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến đấu chống Mỹ xâm lược phải hy sinh gian khổ nhưng không phải là việc làm phiêu lưu mạo hiểm như chủ nghĩa xét lại hoảng sợ. Đảng và Bác Hồ đã chỉ rõ sức mạnh to lớn của ta là sức mạnh chính trị và tinh thần, ta phát huy sức mạnh đó để giải quyết mâu thuẫn gay gắt buổi đầu của chiến tranh là “nhỏ đánh lớn, ít đánh nhiều”. Ý Đảng và lòng dân là một, quyết tâm đánh Mỹ ngày càng thấm sâu vào tình cảm và ý chí của nhân dân hai miền Nam, Bắc và quyết tâm đó đã biến thành hành động cách mạng cụ thể.
Tất nhiên không thể dừng lại ở quyết tâm mà còn phải ở phương pháp tiến hành chiến tranh thích hợp. Trên thực tế chiến trường, Việt Nam đã đánh Mỹ “theo kiểu Việt Nam”, phù hợp với điều kiện đặc thù của ta, hạn chế tối đa ưu thế về vũ khí và sức cơ động của địch, khoét sâu chỗ yếu cơ bản của chúng là đội quân xâm lược phi chính nghĩa.
Đường lối chiến lược chiến tranh nhân dân, toàn dân và toàn diện của ta chính là dựa trên sức mạnh chính trị và tinh thần của nhân dân, từ đó thúc đẩy cuộc kháng chiến ngày càng phát triển thắng lợi và có những bước nhảy vọt ở từng thời kỳ . Kế thức và phát triển kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên và cả trong kháng chiến chống Pháp, Đảng và Bác Hồ đề ra phương thức chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ là: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược với ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ. Phương thức chiến tranh có tính chất tổng hợp này là “bửu bối” của quân dân miền Nam. Do đó mà trong nhiều trận đánh có cả ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh vận. Bộ đội chính quy ngày càng hùng hậu, thiện chiến, càng đánh càng thắng trong khi phong trào “toàn dân đánh giặc” phát triển sâu rộng, địch đi đến đâu cũng bị du kích đánh đau bằng nhiều loại vũ khí và cách đánh hết sức sáng tạo. “Ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ” là điều có thật.
Đánh tên xâm lược hung hãn nhất thời đại, ta xác định phải đánh lâu dài, nhưng biết thắng từng bước, giành thắng lợi từng phần. Từ phương châm chiến tranh đó, phong trào nổi dậy, khởi nghĩa đến đồng khởi, tác chiến du kích lẻ tẻ tiến lên tác chiến quy mô lớn, tiêu diệt cả đơn vị địch, giải phóng đất đai… qua năm giai đoạn chiến tranh làm thất bại năm chiến lược của địch, thế và lực của ta ngày càng mạnh hơn địch. Đến chiến cuộc Đông-Xuân 1974-1975 và đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng sức mạnh áp đảo, ta đã giành toàn thắng.
Chiến thắng 30/4/1975 đưa nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới cả nước chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là nhiệm vụ cách mạng hết sức nặng nề. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam sau ba mươi năm đổi mới và từng bước hội nhập với thế giới, ta đang đứng trước nhiều thuận lợi và thử thách đan xen. Như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ, toàn Đảng, toàn dân phải đoàn kết chặt chẽ, có quyết tâm cao, nghị lực đầy đủ và biết cách phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách.
Nghĩ về sức mạnh Việt Nam trong thời đại hiện nay, chắc chắn sức mạnh của ta vẫn là sức mạnh chính trị và tinh thần. Lịch sử là một dòng chảy liên tục, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, ta tìm thấy trong hai cuộc chiến tranh giải phóng chống Pháp, chống Mỹ và những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau đó những bài học quý giá để kế thừa, để tạo nên sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên mới.