Nghề Điều dưỡng có từ lâu đời gắn liền với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự phát triển của xã hội. Trải qua quá trình phát triển lâu dài của ngành Y, nghề điều dưỡng ngày một hoàn thiện và phát triển vượt bậc, được thể hiện rõ nét qua hệ thống đào tạo và hệ thống quản lý ngành.
Điều dưỡng là một nghề độc lập, người điều dưỡng là người cộng tác với bác sỹ trong quá trình điều trị, khác với quan niệm sai lầm trước đây cho rằng điều dưỡng chỉ là người phụ giúp bác sỹ và làm theo y lệnh của bác sỹ. Thực tế cho thấy, nếu một người điều dưỡng giỏi sẽ chủ động trong việc theo dõi, phát hiện các bất thường của người bệnh để thông báo với bác sỹ và bác sỹ sẽ có y lệnh xử trí kịp thời, điều dưỡng sẽ góp phần rất lớn vào thành công của điều trị và ngược lại, nếu người điều dưỡng thiếu kiến thức, thiếu kỷ năng, không có lòng nhiệt tình, không yêu nghề, không thương người… thì có thể gây ra những hậu quả không lường. Chỉ chậm trễ một phút giây thôi, chỉ thiếu sót một chút thôi, có thể bệnh nhân không còn nữa!
Với vai trò quan trọng của công tác điều dưỡng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định:“Điều dưỡng là một mắc xích quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do người điều dưỡng - hộ sinh cung cấp có tác động lớn tới sự hài lòng của người bệnh” và đưa ra khuyến cáo “Ở bất cứ quốc gia nào, muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thì phải chú ý phát triển công tác điều dưỡng”. Sinh thời, trong thư gửi học viên Trường Y tá Liên khu I, tháng 2 năm 1949, Bác Hồ viết: “Y tá chẳng những là một nghề mà còn là một nghĩa vụ,… việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ cho dân tộc người y tá phải gánh một phần quan trọng, y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm để bảo vệ sự tráng kiện của giống nòi, những chiến sỹ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái và đức hy sinh”.
Công việc thường ngày của người điều dưỡng:
Điều dưỡng là sự phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân. Người điều dưỡng sử dụng kiến thức, kỹ năng, cả tấm lòng để giúp đỡ người bệnh và cộng đồng trong việc duy trì, nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, giảm đau đớn về thể chất, tinh thần và biết cách tự chăm sóc bản thân người bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Người điều dưỡng, nữ hộ sinh luôn luôn là người gần gũi với người bệnh. Ở bệnh viện, người đầu tiên đón em bé chào đời là người nữ hộ sinh; người nâng giấc, chăm sóc, an ủi người bệnh lúc đau yếu hoặc những giờ phút cuối đời tại bệnh viện chính là người điều dưỡng; người tiêm thuốc, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc, chăm sóc, gần giũi bệnh nhân nhất cũng là người điều dưỡng!....Ngoài vai trò của một người chăm sóc bệnh, công việc của người điều dưỡng, hộ sinh mang đậm nét của người chị, người mẹ, như một người thân, người bạn giúp bệnh nhân vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống. Ở bệnh viện có bệnh nhân điều trị nội trú, điều dưỡng viên cũng như các bác sĩ, hộ lý đều phải chia ca túc trực cả ngày và ban đêm, khi mọi người đã yên giấc, người điều dưỡng vẫn phải thức để theo dõi bệnh nhân. Làm việc trái giờ gây nhiều mệt mỏi, nhưng lúc nào họ cũng phải tỉnh táo để ứng phó với những tình huống khẩn cấp trong khi trực. Sự tận tâm, tận lực của những điều dưỡng, hộ sinh giàu lòng nhân ái luôn mang lại niềm tin, nghị lực giúp người bệnh vượt qua sự đau đớn dày vò của bệnh tật và nếu như bệnh nặng không cứu chữa được thì cũng an ủi phần nào giúp đỡ người bệnh có một sự kết thúc trong trạng thái nhẹ nhàng, thanh thản tấm lòng. Vì thế, hình ảnh người điều dưỡng đã trở nên cao đẹp, thân thiện, gần gũi, gắn liền với sự ân cần, tận tụy chăm sóc người bệnh, chăm lo người bệnh như chính người thân của mình.
Vai trò của người điều dưỡng: người điều dưỡng phải thực hiện tốt các công việc của mình, có 3 vai trò
1. Vai trò thực hành:
- Giao tiếp tốt với BN
- Có kỹ năng, tay nghề cao, thao tác thành thạo
- Có trách nhịệm, chăm sóc theo dõi bệnh nhân
2. Vai trò quản lý:
- Quản lý con người và tài sản vật tư
- Quản lý, bảo quản dụng cụ, sổ sách hành chính.
3. Vai trò nghiên cứu:
- Thực hành dựa trên chứng cứ
- Luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệm
- Giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm
Chức năng của người điều dưỡng:
- Chức năng độc lập
- Chức năng phối hợp
- Chức năng phụ thuộc
Nâng cao trình độ mọi mặt cho Điều dưỡng là yêu cầu quan trọng:
1. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ:
Không học tập, người Điều dưỡng sẽ lạc hậu “Người thầy thuốc sau 5 năm không đọc một tạp chí nào thì người thầy thuốc trở lại thời kỳ đồ đá” (Noel Fissenger),...
2. Phải có kiến thức toàn diện:
Khoa học về con người đa dạng, cuộc sống nghề nghiệp đã chứng minh người Điều dưỡng yêu nghề y lại có nhiều tài trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Điều dưỡng có kiến thức toàn diện có lợi nhiều cho người bệnh.
3. Tiếp xúc rộng rãi với nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề:
Qua tiếp xúc, người điều dưỡng mới hiểu biết các nhu cầu về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho mọi tầng lớp, cho cộng đồng, biết được các bệnh đặc trưng cho các nghề nghiệp, cách chữa và dự phòng về y học và về xã hội. Tâm lý bệnh nhân tùy lứa tuổi và nghề nghiệp.
4. Tổ chức học tập và làm việc ở cơ sở:
Việc học tập của Điều dưỡng không dừng lại ở nhà trường, trong bệnh viện, trong các cơ sở nghiên cứu mà phải được tiếp tục bằng nhiều cách, bằng tự học, bằng xâm nhập thực tế cộng đồng,...
5. Rèn luyện óc quan sát:
Là yêu cầu để trở thành người Điều dưỡng tốt. Quan sát là một khả năng phân tích tổng hợp nhận định cấp tốc nhưng để lại ấn tượng lâu dài và cần thiết cho tư duy, rút ra kinh nghiệm.
6. Xây dựng tinh thần làm việc tập thể:
Điều dưỡng sẽ sai lầm lớn hoặc đơn độc khi xa rời tập thể. Tập thể một nhóm tổ, một phòng khoa bao giờ cũng có những điều kiện để phát hiện chỗ sai trái của đồng nghiệp, vun đắp và tạo điều kiện cho Điều dưỡng làm việc và học tập tốt. Làm việc và hòa mình vào tập thể là một nhận thức đầy trách nhiệm và tự giác khi cá nhân là một bộ phận của tập thể, tập thể là tấm gương của cá nhân, quyền lợi của cá nhân phải được tập thể quan tâm, tập thể không bắt cá nhân phải hòa tan vào mình.
7. Quan tâm và đối xử tốt với người già:
Tâm lý người già phức tạp, cần phải quan tâm người già vì tuổi già cần được chăm sóc. Quan tâm người già là quan tâm đến sức khỏe, đến lao động, đến niềm vui của họ.
Điều dưỡng rất cần cho người già, giúp cho họ giảm bới stress, giúp họ chữa bệnh, phòng bệnh, giúp họ có những quan niệm nghỉ ngơi, hưu trí đúng đắn.
8. Quan tâm đến hạnh phúc người bệnh:
Điều dưỡng phải quan tâm đến sức khỏe của người bệnh, sự quan tâm phải từ trong lòng, trong nghĩa vụ lương tâm và trách nhiệm đến sức khỏe của bệnh nhân. Quan tâm thực sự đến hạnh phúc của người bệnh là yêu cầu đạo đức cao đẹp đối với thầy thuốc.
9. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp:
Trách nhiệm của Điều dưỡng trước bệnh nhân vừa có động lực bên ngoài là nghĩa vụ, vừa có động lực bên trong là lương tâm. Trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm nghề nghiệp là những phạm trù đạo đức cần được Điều dưỡng nhận thức sâu sắc.
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiện ác, lương tâm, trách nhiệm mang tính cách dân tộc phương Đông:
“Tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn”
“Việc đúng dù nhỏ mấy cũng phải làm
Việc trái dù nhỏ mấy cũng phải tránh”
“ Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì không nên làm cho ai”
10. Giao tiếp với bệnh nhân:
Điều dưỡng chỉ cần thiếu ý thức, thiếu kiến thức có khi sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.
Điều dưỡng tiếp xúc với bệnh nhân một cách chín chắn, tế nhị, thận trọng trong lời nói, trong hành vi và trong mọi giao tiếp.
11. Bí mật nghề nghiệp:
Bí mật nghề nghiệp là nguyên tắc hành nghề quan trọng của thầy thuốc. Nguyên tắc nói rõ bí mật của Điều dưỡng có 2 loại: Bí mật về người bệnh và quan hệ của họ mà Điều dưỡng được biết không cho phép tiết lộ ra xã hội.
Bí mật của người bệnh mà Điều dưỡng không được phép cho bệnh nhân biết. Vì một lý do nào đó, mà nguyên tắc bí mật bị vi phạm có thể dẫn đến hậu quả xấu cho bệnh hoặc gây một phẫn nộ thực sự đối với người bệnh là điều không nên.
Bí mật nghề nghiệp của người Điều dưỡng là tiêu chuẩn đạo đức về cách xử sự của Điều dưỡng và nhấn mạnh Điều dưỡng hãy vì cuộc sống và hạnh phúc của người bệnh, cần suy nghĩ về số phận người bệnh chứ không vì lý do nào khác.
Nguồn tin: Khoa Điều dưỡng