Chúng ta cần học để hiểu kỹ và nhớ lâu, chứ không phải học thật nhanh...
Nguyên tắc 1: Không học tự vựng một cách riêng lẻ
Khi tìm thấy một từ mới, chúng ta không học riêng mình nó, không ghi chép lại chỉ một mình từ mới đó. Ta ghi lại và học cả câu, hoặc cả cụm từ chứa nó. Ta thấy được vai trò của từ này trong câu, thấy được mối tương quan giữa nó và các thành phần khác. Mặt khác, việc ghi nhớ cả câu giúp ta dễ dàng xây dựng trí nhớ hình ảnh, dẫn tới việc dễ dàng hình dung được ý nghĩa của từ. Một điều ích lợi nữa là ta học được cả văn phạm. Ta thấy được cách chia thì, chia thể của từ mới ấy trong ngữ cảnh của câu hay cụm chữ đó.
Nguyên tắc 2: Dừng ngay việc học ngữ pháp
Ngữ pháp rất cần thiết cho kỹ năng đọc và viết. Nhưng khi đàm thoại tiếng Anh, nếu chú trọng văn phạm, chúng ta dễ đi vào hướng phân tích câu từ. Do đó chúng ta không thể nói và nghe tiếng Anh một cách tự nhiên. Chúng ta cần nghe thật nhiều, đặc biệt là các đoạn tiếng Anh đơn giản. Ta nắm bắt được đặc tính của văn phạm một cách tự nhiên như cái cách mà người bản xứ đã học từ thủa nhỏ.
Nguyên tắc 3: Học bằng tai, không phải bằng mắt
Trên thực tế, có thể chúng ta giỏi văn phạm hơn cả người bản xứ. Thường thì họ không hiểu văn phạm nhiều và rõ như chúng ta. Cách họ học tiếng Anh là bằng việc lắng nghe nó mỗi ngày từ nhỏ tới lớn. Một điều rõ ràng là sau rốt họ dùng tiếng Anh tốt hơn chúng ta. Chúng ta cần tập nghe tiếng Anh mỗi ngày. Những bài chúng ta chọn nghe cần phải thật đơn giản và dễ hiểu. Ta cần phải hiểu được từ 90% trở lên nội dung của bài luyện nghe.
Nguyên tắc 4: Học chậm mà chắc
Chúng ta cần học để hiểu kỹ và nhớ lâu, chứ không phải học thật nhanh. Do đó, khi đọc hay nghe một bài Anh Ngữ, hãy lặp đi lặp lại nhiều lần. Với một bài luyện nghe, ta nghe một lần không đủ. Năm lần không đủ. Mười lần vẫn chưa chắc đủ. Ta cần phải nghe năm mươi lần, một trăm lần hoặc hơn cho đến khi chúng ta nắm vững nội dung bài đàm thoại. Một điều nữa cũng khá quan trọng, là cần học thường xuyên. Hôm nay luyện, ngày mai tiếp tục luyện. Từ Thứ Hai tới Chủ Nhật, tuần này sang tuần khác. Chép bài đàm thoại vào điện thoại hay máy nghe MP3 và luyện nghe bất cứ lúc nào có thời gian.
Nguyên tắc 5: Dùng các câu chuyện ngắn
Đó là những câu chuyện được kể lại nhiều lần qua những khía cạnh khác nhau. Sự khác biệt này có thể là khác về thì, về thể, về dạng…Thí dụ, cùng một câu chuyện được kể đi kể lại bốn lần trong bốn thời điểm khác nhau: hiện tại, năm trước, năm sau, từ trước tới nay.
Nguyên tắc 6: Dùng các công cụ tiếng Anh thực
Hãy bỏ các cuốn giáo trình Anh Ngữ! Đừng đọc các bài luận trong sách giáo khoa. Và quên đi những đĩa CD đi kèm mấy cuốn sách ấy. Cái chúng ta cần là nội dung Anh Ngữ thật sự, dành cho người nói tiếng Anh thật sự.
Về đọc và viết, ta có thể tìm cách cuốn sách truyện, các tiểu thuyết Anh văn. Tùy theo ý muốn của mình, ta có thể chọn thể loại thích hợp. Người mới học nên chọn sách dành cho trẻ nhỏ; người đã có kỹ năng trung bình có thể xem sách cho thanh thiếu niên; người rành hơn có thể đọc tiểu thuyết.
Về nghe và nói, ta có thể tìm xem các chương trình truyền hình, nghe các đài phát thanh tiếng Anh. Ta có thể xem phim, nghe nhạc, nghe tin tức, v.v. và cũng như trên, chọn bất cứ thể loại nào ta thích, bất cứ cấp độ nào ta nhận thấy thích hợp với trình độ của mình. Người mới học hoặc có trình độ trung bình có thể coi đài Disney; người có trình độ cao hơn thì coi đài BBC, CNN, hoặc các đài phim ảnh, thể thao, âm nhạc.
Nguyên tắc 7: Lắng nghe và trả lời
Chúng ta cần dùng những câu chuyện ngắn, đơn giản. Người giảng dạy sẽ đọc một câu kể về một chi tiết nào đó trong truyện, rồi đặt câu hỏi đơn giản về chi tiết đó. Người học sẽ trả lời câu hỏi đó một cách nhanh chóng. Cứ vậy cho tới khi kết thúc câu chuyện. Với phương pháp lắng nghe và lặp lại, người học không cần phải suy nghĩ. Còn ở phương pháp lắng nghe và trả lời, người học phải suy nghĩ. Bằng việc suy nghĩ để đưa ra câu trả lời, nội dung bài học sẽ dễ dàng đi vào tâm trí. Người học nhờ đó mà nắm bắt được những điều cần học.
Huyền Thanh (Tổng hợp từ Internet)