Vào năm 1952, tại Bombay Ấn Độ, người ta chứng kiến một sự việc mà chưa từng được báo cáo trước đó. Một người nhóm máu O xảy ra phản ứng ngưng kết với một nhóm máu O khác.
Thông thường, phản ứng ngưng kết chỉ xảy ra khi truyền khác nhóm máu, nên sự việc này từng gây thắc mắc lớn cho các nhà khoa học lúc bấy giờ, đến nay chúng ta biết có hai cơ chế khác nhau nhưng cùng tạo nên nhóm máu O, đó là:
Thứ nhất, người có kháng nguyên H (tiền chất của kháng nguyên nhóm máu A, B) nhưng không có gen để tổng hợp nên kháng nguyên A hay B từ H, nên mang nhóm máu O. Kiểu gen của người này là ii (Hh hay HH).
Thứ hai, người không có kháng nguyên H, nên dù mang gen tổng hợp kháng nguyên A hay B nhưng không có tiền chất để tạo ra kháng nguyên A hay B, do đó cũng mang nhóm máu O. Kiểu gen của người này có thể là IAi(hh) hay thậm chí IAIB (hh) …
Tóm lại, trong hai người máu O người thứ nhất chỉ có kháng nguyên H, còn người thứ hai không có kháng nguyên nào.
Cơ thể của chúng ta thường khó chấp nhận những chất lạ, khi có chất lạ xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ tấn công và tiêu diệt chất lạ đó. Khi một người nhóm máu O ở trường hợp 1 (mang kháng nguyên H) truyền máu cho người nhóm máu O trường hợp 2 (không có kháng nguyên). Kháng nguyên H (trên màng tế bào hồng cầu) từ người 1 là lạ với người 2, nên sẽ kích hoạt hệ miễn dịch người 2 phá hủy hồng cầu lạ gây nên sự ngưng kết.
Nhờ sự việc trên sau này người ta tìm ra gen Hh tham gia vào việc tạo nên kháng nguyên H (tiền chất của kháng nguyên A, B), quy định nhóm máu ABO. Để gợi nhớ về sự việc tìm ra điều này, người nhóm máu O mang kiểu gen hh còn được gọi là nhóm máu O Bombay.
Nguồn: kienthucykhoa.com.vn