Sắp ra trường, bạn chuẩn bị thế nào cho kế hoạch xin việc?

Chuẩn bị rời mái trường đại học ấm áp là lúc sinh viên như những cánh chim tung bay rời khỏi mái nhà quen thuộc để đến với chân trời rộng mở phía trước đang chờ với những cơ hội cũng như các thử thách khó khăn đang chờ. Vậy, sẽ cần phải chuẩn bị điều gì trước cho quá trình này?

1. Tâm lý

  • Khi đi làm, mọi thứ sẽ không giống như chúng ta đang đi học. Đi làm có nghĩa là bạn sẽ phải có TRÁCH NHIỆM đối với việc bạn làm, phải TRUNG THỰC với lỗi sai của mình và SỬA CHỮA chúng. 
  • Môi trường mới có thể khiến bạn choáng ngợp, đòi hỏi công việc phải đáp ứng hiệu quả cao, áp lực dồn dập dễ dàng đánh gục bạn vì stress. 

Hãy cố gắng thư giãn sau và quên công việc sau khi bạn đã rời khỏi ca trực, tận dụng thời gian để nghỉ ngơi, và không quên chia sẻ nỗi lòng của bạn cho bạn bè) hoặc ít nhất là cho Hội Người Điều Dưỡng Trẻ nhé!

Học hỏi và lắng nghe từ các anh chị đi trước để nắm vững sơ bộ vị trí công việc mình sẽ làm, ghi chú lại vào sổ tay, chú tâm hoàn thiện từng ngày. Đừng ngại nhận lỗi khi mình có sai sót.

2. Xin việc

  • Có rất nhiều nguồn thông tin cung cấp cho bạn về thông tin tuyển dụng từ các bệnh viện: báo chí, website (timviecnhanh hay vieclam24h chẳng hạn)... Đừng bị cuốn đi vào nỗi sợ hãi với luồng tin "phải có... mới được vào làm" hoặc phải quen biết... Rất nhiều bạn điều dưỡng được nhận vào sau khi họ vượt qua xuất sắc các vòng thi tuyển của nhà tuyển dụng.
  • Hồ sơ: khá nhiều bạn hỏi Hội về cách chuẩn bị hồ sơ, nên ad sẽ chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình nhé!

a. Hồ sơ/đơn xin việc nên viết tay, mua bộ mẫu hay đánh máy?

Tùy theo yêu cầu của mỗi bệnh viện mà bạn làm cho phù hợp. Nhưng nếu họ không yêu cầu thì ad khuyên bạn nên đánh máy, việc này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn trong trình bày kỹ năng.

b. Nên viết sơ yếu lý lịch như thế nào?

  • Quan trọng nhất là phần THÔNG TIN CÁ NHÂN của bạn:

Họ tên, ngày tháng năm sinh.
Email: nên đặt 1 email nghiêm túc và dùng trong công việc như hoanganhng@gmail.com chẳng hạn. Đừng bao giờ dùng email như emyeuanh...@gmail.com hay konbethixgaubong@yahoo.com nhé các bạn!
...

  • Tiếp theo là quá trình học tập/làm việc: nêu rõ nơi học/làm việc, năm kinh nghiệm, những kỹ năng/kinh nghiệm bạn có được trong suốt quá trình đó. Nêu càng rõ ràng chi tiết càng tốt!
  • Các kỹ năng mềm.
  • Hoạt động xã hội.
  • Referer: phần này bạn ghi tên 1 - 2 người hiểu rõ về bạn, nhà tuyển dụng có thể gọi đến họ và tham khảo thêm để nắm bắt được thông tin về bạn.

c. Gửi hồ sơ: cũng là thắc mắc rất hot.

Tốt nhất vẫn là gửi hồ sơ trực tiếp theo địa chỉ thông báo trong thông tin tuyển dụng. Ngoài ra, có thể gửi hồ sơ qua email hoặc qua đường bưu điện (nhớ đặt gửi đảm bảo để tránh thất lạc).

3. Phỏng vấn: chà, giai đoạn này càng hồi hộp lắm đây! Nhất là lần đầu đi phỏng vấn. Những lo lắng "không biết họ sẽ hỏi những gì?" hay "cần tâm lý như thế nào để tự tin đây?" sẽ luôn luôn xuất hiện khiến bạn tim đập chân run. Hãy xem xem chúng ta cần gì nhé?

a. Trang phục

  • Nam: áo sơ mi, quần tây, giày sandal hoặc giày tây, tóc chải gọn.
  • Nữ: áo sơ mi, quần tây hoặc váy công sở, tóc chải gọn gàng, giày bít mũi/cao gót (không phát tiếng kêu lộp cộp), có thể trang điểm nhẹ cho tươi tắn + thêm phần tự tin.
  • Đi thẳng lưng tăng thêm sự tự tin.

b. Trả lời phỏng vấn

  • Chào hội đồng phỏng vấn với nụ cười tươi sẽ tạo thêm thiện cảm.
  • Giới thiệu bản thân: hãy chuẩn bị trước thật kỹ phần này. Họ sẽ xem những gì bạn viết trong hồ sơ có thật hay không?
  • Nắm vững kiến thức đã học/làm.
  • Thông thường nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về "shock phản vệ", nguyên tắc giao tiếp, xử trí cấp cứu hoặc chăm sóc lâm sàng... 
  • Chỉ nói những gì bạn biết chắc chắn. Nếu phần nào không biết, nên giải thích rõ, không nói qua quýt hoặc đoán bừa.

c. Kết thúc buổi phỏng vấn: lỗi này dễ mắc phải. Khi được báo kết thúc buổi phỏng vấn, bạn sẽ làm gì? Đứng lên lặng lẽ đi về, chào hội đồng phỏng vấn rồi về hay quay lưng đi thẳng?

Điều nên làm là chào và cám ơn hội đồng phỏng vấn với 1 nụ cười thân thiện. Nhớ khép cửa khi bạn đi vào/ra.

A, được mời đến nhận việc rồi, vui quá! Mà, mình phải làm gì đây ta?

Tùy theo bệnh viện, có nơi cấp phát đồng phục cho bạn khi tới nhận việc nhưng cũng có nơi chưa cấp ngay. Nếu họ chưa cấp đồng phục, bạn cần chuẩn bị sẵn cho mình đồng phục ủi phẳng phiu, gọn gàng, nên chọn loại giày kín chân và mang êm chân - nó sẽ hữu ích trong trường hợp bạn làm cấp cứu, ICU... đấy! Hãy tự tin lên nào!

Ngày đầu tiên, cảm giác luôn là vừa vui vừa hồi hộp, mọi khó khăn trước mắt cũng sẽ đang sẵn sàng đón chào bạn nhưng cũng không ít niềm vui đang chờ ùa đến mỗi ngày. Bắt đầu đi làm, nghĩa là bạn bắt đầu lật trang vở mới trong cuộc đời, trưởng thành, cứng cáp hơn rất nhiều. Và, trên đây là một số kinh nghiệm của Hội muốn chia sẻ tới các bạn Điều Dưỡng Trẻ, đừng quên bên cạnh các bạn còn có chúng tôi lắng nghe bạn kể mỗi ngày nhé!

Chúc các bạn thành công!

Theo Tài Liệu Ôn Thi Viên Chức Điều Dưỡng