Ngày 27/11, trường Đại học Đông Á đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập phân hiệu tại thành phố Buôn Ma Thuột – thủ phủ vùng Tây Nguyên. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự buổi lễ có Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo chính quyền địa phương và các sở ngành, BGH các trường THPT trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, các trường đại học, các chuyên gia và các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, BGH và giảng viên Đại học Đông Á.
PGS,TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, PGS,TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao quyết định thành lập phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk cho Ban Giám hiệu và Hội đồng trường ĐH Đông Á, cho phép bắt đầu hoạt động tuyển sinh và đào tạo một cơ sở giáo dục chất lượng, quy tụ đầy đủ các điều kiện cho việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống cơ sở đào tạo và thực hành hiện đại, không gian học tập hứng khởi, khai phá việc làm tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế địa phương và hội nhập quốc tế cho sinh viên.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS,TS Nguyễn Văn Phúc bày tỏ niềm vui và lời chúc mừng về một bước tiến mới đầy ý nghĩa của Trường Đại học Đông Á trong nỗ lực phát triển sự nghiệp giáo dục và định hướng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, thiết thực phục vụ quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; xác lập chiến lược phát triển dài hạn với một tầm nhìn khoa học thích ứng nhanh bối cảnh mới của đất nước.
Lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu trường Đại học Đông Á tại Đắk Lắk.
Phát biểu tại Lễ công bố quyết định phân hiệu, TS Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho biết: “Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk sẽ thúc đẩy đồng thời các ngành Kinh tế, Logistics, các ngành du lịch - dịch vụ, kỹ thuật, các ngành sức khỏe và ngôn ngữ. Thật thú vị khi có thể góp sức đào tạo những chủ nhân trên mảnh đất này vừa có nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lữ hành-khách sạn vừa có năng lực giao tiếp các ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung … để mời gọi bạn bè quốc tế, để phát triển kinh tế du lịch trên vùng đất có nhiều sắc thái văn hóa này”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đặt kỳ vọng Trường Đại học Đông Á tiếp tục phát huy tốt thế mạnh đào tạo và ưu thế kết nối việc làm cho sinh viên tại các thị trường nhân lực trong nước và các nước phát triển, thiết thực đóng góp cho việc thực hiện “mục tiêu kép” về chất lượng và việc làm cho nguồn nhân lực trong chiến lược dài hạn của địa phương và khu vực Tây Nguyên. Đó là xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy quản trị và khả năng ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ hiện đại, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm tại chỗ của địa phương; và một nguồn nhân lực trình độ cao được đào tạo, rèn luyện trong môi trường quốc tế tại các nước phát triển trở về đóng góp cho quê hương. Đây không chỉ là nhu cầu mà còn là “xương sống” phát triển cho vị thế trọng yếu về kinh tế - xã hội của vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước theo định hướng Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Nhân dịp này, VNPT Đắk Lắk và Đại học Đông Á đã đạt được thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số; đào tạo, phát triển và tuyển dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Viễn thông - Công nghệ Thông tin và truyền thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm và công nghệ mới; đầu tư xây dựng hệ thống phòng lab thực tập cho sinh viên như: Lab Blockchain, Kubernetes (K8s)/ Docker Swarm, các hệ thống máy chủ cloud, ảo hóa…; hợp tác phát triển hạ tầng dịch vụ viễn thông cũng như các giải pháp chuyển đổi số cho trường đại học, triển khai các dự án viễn thông – CNTT cho địa phương,...
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và ĐH Đông Á sẽ phối hợp xây dựng “Vườn sưu tập Cà phê” tại Trường Đại học Đông Á; xúc tiến kết nối sinh viên ĐH Đông Á thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, hợp tác cũng được kỳ vọng tạo ra hệ sinh thái mới trong hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực liên quan đến cà phê.
Được biết, từ hội thảo Chỉ dẫn địa lí Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột do Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức vào ngày 9/8, các chuyên gia từ Viện AIIT cũng sẽ đồng hành cùng các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã có chỉ dẫn địa lí tại Việt Nam trong quá trình thực hiện hồ sơ để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Trong khi đó, Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) và ĐH Đông Á cũng đạt được thống nhất để tiến tới hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực các ngành Công nghệ thực phẩm, Nông nghiệp Công nghệ cao, Quản trị kinh doanh, Kế toán làm việc ở các nông trường của Thagrico tại Việt Nam, Lào và Campuchia; hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên ĐH Đông Á và các chuyên gia từ Thagrico. Hợp tác được kỳ vọng sẽ đặt nền móng chặt chẽ cho gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp, giữa đào tạo và việc làm cho sinh viên ngay từ khi vừa nhập học.
Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk.
Phân hiệu ĐH Đông Á tại Đắk Lắk được xây dựng trên tổng diện tích mặt bằng 10 ha, gồm 3 block nhà A, B, C đang vận hành với công năng 115 phòng học lý thuyết, 27 phòng thực hành chuyên môn, thư viện, hội trường lớn, khu thể thao đa năng cùng đầy đủ các phòng chức năng.
Quy mô đào tạo năm đầu tiên trong giai đoạn 2022-2030 của phân hiệu sẽ gồm 6 ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Công nghệ thực phẩm, Điều dưỡng, Công nghệ thông tin. Đây đều là các ngành học phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài tại vùng Tây Nguyên, và cũng là các ngành đào tạo thế mạnh trong quy mô 36 ngành thuộc 9 nhóm ngành của ĐH Đông Á.