Mạng lưới quản lý hen, phổi tắc nghẽn mãn tính và thiết bị giúp khởi phát chuyển dạ cho thai phụ là hai công trình nghiên cứu thành công rất có ý nghĩa của các bác sĩ Việt Nam.
Sáng 2/12, tại lễ trao giải lần thứ 16 giải thưởng Kova, hai công trình khoa học của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Hùng Vương đã được vinh danh ở hạng mục Kiến tạo với giá trị cao nhất, mỗi đơn vị 50 triệu đồng.
Đây là giải thưởng thường niên uy tín do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam – sáng lập từ năm 2002, nhằm tôn vinh những người Việt Nam xuất sắc, những công trình khoa học ứng dụng, tấm gương người tốt việc tốt và các sinh viên có triển vọng nghiên cứu khoa học, nghèo vượt khó.
Năm nay, ở hạng mục Kiến tạo hướng tới những sáng kiến, nghiên cứu khoa học ứng dụng mang lại hiệu quả cho cộng đồng, cả hai công trình đạt giải đều thuộc lĩnh vực y học.
Nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng cho đại diện hai bệnh viện ở hạng mục Kiến tạo. Ảnh: H.Q.
Cụ thể, “Chương trình xây dựng mạng lưới quản lý Hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) trong cộng đồng trên cả nước để giảm nhập viện do đợt cấp từ năm 2000 đến nay” của tập thể Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM đã giúp bệnh nhân không phải cấp cứu nhập viện vì những đợt kịch phát, nhiều bệnh nhân được cứu sống.
Hơn 17 năm thành lập, mạng lưới đã mở rộng ra đến 161 đơn vị của 45 tỉnh thành trên cả nước, tổ chức hàng chục lớp quản lý hen và COPD cho gần 1.200 bác sĩ, 600 điều dưỡng, đồng thời được giới thiệu rộng rãi cho các nước trong khu vực.
Đơn vị còn lại được tôn vinh là tập thể các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, với sự đóng góp của PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương - với công trình “Khởi phát chuyển dạ bằng bóng đôi Foley cải tiến”.
Theo PGS Khánh Trang, đây là sáng kiến, phương pháp mới của Bệnh viện Hùng Vương giúp khởi phát chuyển dạ cho thai phụ đạt hiệu quả cao. Đôi bóng Foley cải tiến của viện có giá thành rẻ hơn hàng chục lần so với phương pháp ngoại (khoảng 50.000 đồng/sản phẩm), so với bóng đôi của Úc có giá hơn 3 triệu đồng.
Tháng 7/2016, công trình này đã được Bộ Y tế công nhận là phương pháp mới trong chuyên ngành sản khoa, giúp giảm tỷ lệ sinh mổ hiện nay, giải quyết các tình huống đặc biệt như khởi phát chuyển dạ trên các trường hợp có vết mổ cũ mới sinh, thai dị tật nặng.
Bên cạnh đó, ở hạng mục Sống đẹp, nữ điều dưỡng đầu tiên của Việt Nam, bà Ngô Thị Hai (101 tuổi, ở TP.HCM) cũng được tôn vinh. Bà Hai không lập gia đình, cả cuộc đời gắn liền với ngành y, chăm sóc người bệnh. Nữ điều dưỡng đầu tiên đã mang kỹ thuật vô khuẩn về nước, có những cải tiến cho ngành điều dưỡng. Khi ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn đến bệnh viện và vận động nhiều người tình nguyện đến giúp đỡ, chăm sóc các bệnh nhân.
Tại buổi trao giải, nguyên Phó Chủ tich nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tich Ủy ban giải thưởng, đánh giá cao các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực y học, có ý nghĩa cộng đồng to lớn. Đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các tấm gương.
HÀ QUYÊN