Ngày 17/5 tại TP.HCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi hội thảo về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè với sự tham dự của chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới.
Ông Emmanuel Eraly đang giải đáp các vấn đề về Zika
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến tháng 5/2016 đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika, trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền. Vi rút Zika vẫn tiếp tục lan truyền mở rộng trong thời gian tới và được WHO đánh giá là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
Mặc dù USCDC đã khẳng định vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não nhưng ông Emmanuel Erally, chuyên gia WHO cho biết, không phải thai phụ nào nhiễm Zika cũng sinh ra con bị chứng đầu nhỏ.
Bên cạnh đó, cho đến nay WHO cũng chưa đưa ra được con số cụ thể về tỉ lệ trẻ sơ sinh bị khiếm khuyết do thai phụ nhiễm Zika sinh ra là bao nhiêu cũng như chưa có một câu trả lời rõ ràng cho sự tác động của Zika lên giai đoạn nào của thai kỳ.
Trước câu hỏi làm thế nào để phát hiện bào thai có bị ảnh hưởng bởi Zika hay không, ông Emmanuel Eraly cho biết, ở giai đoạn đầu của thai kỳ (3 tháng đầu) là hầu như không phát hiện được, kể cả dùng biện pháp siêu âm. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối thai kỳ (2 tuần trước khi sinh), qua phân tích nước ối có thể phát hiện ra vi rút Zika có trong thai nhi.
WHO cũng không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào về sự lựa chọn của bà mẹ mang thai nhiễm vi rút Zika rằng có nên bỏ hay giữ lại con mình mà chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin về những nguy cơ mà phụ nữ mang thai nhiễm Zika có thể phải đối mặt.
Ông Emmanuel nhấn mạnh, cho dù đứa trẻ nhiễm Zika khi sinh ra bị chứng đầu nhỏ vẫn có thể phát triển một cách bình thường. Đây là một dạng khuyết tật chứ không phải bệnh tật, vì thế, khi đứa trẻ bị chứng đầu nhỏ ra đời, xã hội cần có sự quan tâm, chăm sóc, tư vấn cũng như tạo điều kiện tốt nhất để trẻ có thể phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, người dân không cần quá hoang mang, lo lắng vì đối với người bình thường, Zika chỉ có triệu chứng như cảm cúm nhẹ. Kể cả đối với thai phụ, Zika không nguy hiểm như sốt xuất huyết. Thai phụ nhiễm Zika chưa chắc đã sinh ra con bị khuyết tật nhưng nếu bị sốt xuất huyết khi đang mang thai thì rất có thể dẫn đến sảy thai, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.
Vì thế, điều mà người dân cần phải làm ngay lúc này đó là có ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy, cắt đứt nguồn lây truyền bệnh từ muỗi.